85% bộ phận HR của các công ty cho rằng việc tuyển dụng nhân sự ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều trong vòng 12 tháng qua. Cùng với đó tỷ lệ thôi việc cũng được dự báo sẽ gia tăng đáng kể trong tương lai gần. Rất nhiều công ty đang cố gắng đáp ứng yêu cầu của người lao động về lương thưởng, bảo hiểm, phúc lợi… nhằm giúp hạn chế tình trạng này xảy ra.
Đã qua thời “xin việc”
Không khó để thấy rằng giờ đây cụm từ “xin việc” đã không còn quá đúng nữa. Để nói chính xác hơn thì thị trường tuyển dụng nhân sự là một cuộc “trả giá”, “thuận mua vừa bán”. Rất nhiều người lao động đã nhìn nhận việc ứng tuyển và gắn bó với một công ty là sự “hợp tác”, đôi bên cùng có lợi nếu đáp ứng được các yêu cầu của nhau.
Mặt khác với sự phát triển về công nghệ, con người dễ dàng cập nhật kiến thức, học hỏi kỹ năng mới, nâng tầm bản thân và cũng được chia sẻ những trải nghiệm từ khắp các môi trường làm việc thông qua hội nhóm trên mạng xã hội. Điều này cho phép họ hiểu hơn về thị trường tuyển dụng nhân sự, về văn hóa làm việc của các công ty và gia tăng quyền lựa chọn cho mình.
Như đã đề cập, rất nhiều công ty sẽ phải chứng kiến nhân tài, những người gắn bó cùng mình rời đi. Khái niệm trung thành và an nhàn của người lao động dường như bị xóa mờ, nhất là khi các thế hệ sau này tiêu biểu như Gen Z rất yêu thích thử nghiệm và xê dịch. Chính vì vậy, một cách vô hình, nó đã thúc đẩy các công ty phải suy nghĩ lại về chiến lược thu hút nhân tài, ưu tiên giữ chân nhân viên bằng lương, củng cố văn hóa doanh nghiệp và tạo điều kiện cho họ phát triển.
Một sự bùng nổ và chuyển dịch nhân sự lớn sắp diễn ra
Covid-19 đã làm nền kinh tế toàn cầu đi xuống nhưng khi vaccine được tiêm phòng rộng rãi thì cũng có nhiều dự báo cho rằng, các hoạt động kinh doanh sẽ dần khôi phục và nhanh chóng trở lại quỹ đạo, mở ra một sự bùng nổ về chuyển dịch lẫn nhu cầu tuyển dụng nhân sự lớn.
Điều này cũng dễ hiểu bởi sau khi nhiều công ty đóng cửa vì dịch bệnh thì một lượng lớn lao động sẽ bắt đầu “tìm kiếm bến đỗ mới”. Điều này, mở ra cho các doanh nghiệp nhiều lựa chọn khi tuyển dụng nhân sự nhưng nhìn chung mức lương phải trả vẫn không đổi, có thể tăng nhẹ. Đặc biệt, đối với những nhân sự có kinh nghiệm lâu năm hoặc có thực lực thì việc cạnh tranh để “giành lấy” họ cũng gay gắt không kém.
Mặt khác, các công ty cũng sẵn sàng sa thải các nhân sự bộc lộ sự yếu kém, không đáp ứng được các yêu cầu về công việc trong những giai đoạn làm việc từ xa hoặc chỉ đơn giản là “thanh lọc” bộ máy để có thể tiếp tục phát triển trong mùa dịch. Vì vậy nhìn chung, thị trường tuyển dụng vẫn rất sôi động.
Một điều thú vị nữa là thói quen làm việc tại nhà trong mùa dịch có thể là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc nhân viên rời khỏi công ty. Họ có xu hướng tìm kiếm các công việc linh hoạt hơn về địa điểm, không yêu cầu có mặt tại văn phòng thường xuyên… hoặc chuyển hẳn sang công việc Freelancer/làm việc tại nhà toàn thời gian.
Doanh nghiệp đau đầu tuyển dụng nhân sự
Trong báo cáo gần đây về tác động của đại dịch đến tuyển dụng, giữ chân nhân viên và văn hóa doanh nghiệp, XpertHR Cendex chỉ ra rằng hơn 1/3 (tức 31,8%) tổ chức dự kiến sẽ nhận nhiều đơn từ chức hơn trong vòng 4-6 tháng tới, và con số này là là 1/4 (tức 24,8%) trong vòng 7-12 tháng tới.
Do đó, các nhà quản lý nhân sự, bộ phận HR của các công ty sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách có tính quyết định đến tương lai và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi hầu hết những tổ chức/ công ty / tập đoàn thành công đều đánh giá rằng, việc sở hữu một lực lượng nhân sự trung thành, gắn bó chính là một trong những bí quyết giúp lợi nhuận của doanh nghiệp gia tăng đáng kể.
Làm thế nào để chiến thắng trong cuộc đua tuyển dụng nhân sự
Trong cuộc chiến tranh giành nhân tài này, có 2 vấn đề chủ yếu là thu hút và giữ chân. Việc thu hút nhân tài được xem như bề nổi của một tảng băng còn việc giữ chân họ lại phức tạp hơn, bởi “phần chìm của tảng băng” mới là phần lớn nhất, có tính then chốt.
Với bề nổi, nhiệm vụ của bộ phận HR của mỗi công ty chính là làm sao để vừa có được nhân tài, vừa đảm bảo phù hợp với các tiêu chí của doanh nghiệp. Nói đến đây, chúng ta sẽ hình dung thêm một khái niệm không còn xa lạ gì đó là “săn đầu người” – Một công việc mà đôi khi doanh nghiệp còn buộc phải thuê ngoài để có được nhân tài cho các vị trí trọng yếu, cao cấp như giám đốc điều hành/ giám đốc tài chính…
Sau khi thành công thu hút ứng viên, việc đau đầu tiếp theo là làm sao giữ chân ứng viên ở lại với mình. Các cuộc nói chuyện cởi mở diễn ra, các tâm tư nguyện vọng của người lao động được lắng nghe hơn và không ít công ty đã phải điều chỉnh các chính sách linh hoạt theo đòi hỏi của họ.
Mặc dù có những yêu cầu cần được đáp ứng vì tình hình chung hoặc theo các chính sách pháp luật như làm việc tại nhà trong mùa dịch, theo lệnh giãn cách xã hội (có khoảng 55,5% người lao động đưa ra mong muốn này theo một khảo sát của Pay) thì có những yêu cầu gần như là tiếp tục giữ nguyên như mức lương cao hơn, phúc lợi tốt hơn… Tiêu biểu là có khoảng 30,4% các công ty của Anh cho biết quan tâm lớn nhất của ứng viên là một mức lương cao hơn. Thậm chí trong giai đoạn dịch bệnh, tỷ lệ này không hề giảm mà còn gia tăng đến 41,2%.
Và cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó chính là việc một doanh nghiệp có thể cam kết và thực hiện những cam kết vời người lao động hay không. Việc thiếu cam kết hoặc cam kết nhưng không thực hiện được về các chính sách lương thưởng dễ khiến người lao động mất niềm tin và không còn động lực gắn bó. Ngoài ra, họ cũng sẽ cảm thấy không được trân trọng các nỗ lực và nói lời tạm biệt với doanh nghiệp một cách không mong muốn.
Tóm lại
Khi nhiều người nghĩ rằng “thị trường xin việc” đang rất khó khăn thì thực tế “thị trường tuyển dụng nhân sự” cũng vậy. Nhân sự có thể nhiều nhưng nhân tài không phải lúc nào cũng tìm đến với các doanh nghiệp. Điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm chính là làm thế nào để phát triển đội ngũ của hiện tại, giúp họ phát triển kỹ năng và có những chính sách phù hợp để giữ chân họ.
Mặt khác doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp, biết lắng nghe và linh hoạt điều chỉnh các chính sách để thu hút nhân tài, chiến thắng trong cuộc chiến nhân sự khó nhằng này.
Nguồn: Nice Office – Cho thuê văn phòng chuyên nghiệp tại Tp.HCM